Cuối tuần, hàng chục ngàn du khách đến TP. Vũng Tàu tắm biển nghỉ dưỡng. Nhà hàng, quán xá tấp nập khách du lịch ra vào… Về mặt tích cực, đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch nhưng mặt trái của nó khiến chính quyền địa phương trăn trở, còn người dân sống trong các khu dân cư có đông khách du lịch lưu trú thì bức xúc vì sinh hoạt bị đảo lộn.
Cận cảnh “homestay”
Gần 2 tháng thâm nhập thực tế, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã đi sâu vào khu dân cư để phác họa bức tranh cận cảnh về những căn biệt thự, nhà ở biến hình thành “homestay” đang ngày đêm làm đảo lộn cuộc sống người dân.
Ồn ào, lộn xộn
Tấp nập người ra vào, ăn uống, hát hò cả ngày lẫn đêm, xe cộ đậu kín đường… Những tưởng đây là không gian của khu chợ du lịch hay trung tâm mua sắm sầm uất nhưng đó lại chính là thực trạng đang diễn ra hàng ngày tại các khu dân cư có nhiều nhà cho thuê làm homestay tại TP. Vũng Tàu.
Hẻm 129 Võ Thị Sáu (phường 2, TP. Vũng Tàu) được quy hoạch khu dân cư từ năm 1997. Theo tìm hiểu của phóng viên, có đến 50% trong số hơn 50 căn biệt thự ở đây được dùng cho khách du lịch thuê lưu trú. Đường hẻm rộng 8m, ngày thường 2 xe ô tô tránh nhau thoải mái, nhưng cuối tuần trở nên chật chội khi nhiều xe ô tô 7-16 chỗ, thậm chí có cả xe 30-45 chỗ đậu kín hẻm.
Anh Bình Minh, chủ một căn biệt thự trong khu này cho hay, gia đình anh mua nhà về đây ở từ năm 2008 vì khu này được quy hoạch là khu dân cư – khu nhà ở biệt thự. Những năm đầu, môi trường sống ở đây rất lý tưởng, nhưng 5 năm trở lại đây, nhiều căn biệt thự xung quanh đã được chủ cho khách du lịch thuê để lưu trú. “Ban ngày, khách du lịch rầm rập qua lại, la hét om sòm, ban đêm họ nhảy múa hát hò, tiệc tùng đến sáng… Chúng tôi chịu không thấu”, anh Bình Minh ngán ngẩm nói.
Tương tự, hàng chục hộ dân sống ở khu biệt thự Lạc Long Quân (phường 2) cũng ngày đêm bị “tra tấn” bởi những tiếng ồn và không gian lộn xộn. 7 giờ tối ngày thứ Bảy, tại các dãy C, E, F, những căn biệt thự cho thuê bắt đầu sáng đèn, tiếng nhạc thi nhau nổi lên ầm ĩ. Căn bên này mở nhạc remix, căn bên kia khách hát nhạc bolero, phía trước mở nhạc trẻ, phía sau vừa hát vừa hò… phá vỡ không gian yên tĩnh của khu dân cư. Các con đường trong khu dân cư này thì bị chiếm dụng thành nơi đậu xe chật kín, choán luôn cả lối lưu thông.
Ông Phi – Trưởng một đoàn khách đến từ TP. Hồ Chí Minh sau khi bị người dân nhắc nhở về việc đậu xe chiếm hết lối đi tỏ vẻ ái ngại: “Nếu biết trước căn biệt thự cho thuê này không có chỗ đậu xe thì tui không thuê đâu. Tui không muốn ảnh hưởng đến người khác”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ được như ông Phi. Đa số người thuê chỉ cần yêu cầu giá rẻ có chỗ ở riêng biệt là được. Bởi vậy mới có chuyện hàng chục hộ dân sống trong khu dân cư đường Lạc Long Quân ngày càng bất bình vì sự ồn ào, mất trật tự của du khách khi đến thuê lưu trú tại khu này.
Anh Thanh (5C Lạc Long Quân) bức xúc: “Cuối tuần, cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn bởi khách du lịch lưu trú tại các căn biệt thự cho thuê gần nhà. Buổi sáng tôi có việc chạy xe ra khỏi nhà thì trưa không thể chạy xe vào chính nhà mình vì ô tô của khách đã đậu kín hết lối đi”.
Chưa hết, khách du lịch còn hát karaoke bất cứ giờ nào. “Khi có chút bia rượu vào, họ hát càng hăng, càng to. Tôi đóng kín cửa nhưng khách mở công suất lớn nên âm thanh vẫn lọt vào nhà. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý, công việc của các gia đình xung quanh, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, có người già”, anh Thanh nói.
Villa Băng Giang (B13 đường Thùy Dương 4, phường 10, TP. Vũng Tàu) thay vì mở cửa đón gió biển mỗi khi về nhà như vài năm trước thì nay, chị Dung, chủ căn villa này phải cửa đóng, then cài để hạn chế tiếng ồn lọt vào nhà. Chị Dung cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay, các căn biệt thự trong khu vực này được nhiều người thuê, sửa sang lại rồi cho khách du lịch thuê. Từ đó, ngày nào gia đình chị cũng bị “tra tấn” bởi tiếng ồn tứ phía. Ngày cuối tuần, lễ Tết mức độ ồn ào tăng lên gấp nhiều lần.
“Sáng họ hát, trưa hát, tối cũng hát… Không chỉ hát bằng loa kẹo kéo, một số căn villa cho thuê còn cho khách tổ chức teambuilding và mở âm thanh hết cỡ, sử dụng cả dàn nhạc DJ như một vũ trường”, chị Dung bày tỏ.
Anh Long – chồng chị Dung thì bức xúc: “Có lần, vợ chồng tôi qua nhắc nhở, khách du lịch trả lời bằng giọng rất cộc cằn, thách thức. Sau đó, một số người còn kéo đến tận cổng nhà hăm dọa. Để yên thân, chúng tôi đành tắt đèn, đóng cửa chịu trận. Nhiều hôm họ hát hò thâu đêm khiến chúng tôi không thể ngủ được. Cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn”.
Chuyển nhà đi nơi khác
Qua khảo sát của phóng viên, nhiều người cho biết, họ rất bất bình khi mua nhà quy hoạch là khu dân cư nhưng khi dọn đến ở thì mới vỡ lẽ, nhiều chủ sở hữu cho khách du lịch thuê ở, gây ồn ào, mất an ninh trật tự.
Anh Hùng Cửu cho hay, 5 năm trước, anh mua nhà ở đường Hồ Quý Ly (phường Thắng Tam) vì thấy khu dân cư ổn định, đường rộng. Thế nhưng, chỉ ở được vài tháng, anh đã phải chuyển đi nơi khác quá ồn ào bởi xung quanh toàn là nhà cho khách du lịch thuê lưu trú.
Tương tự, nhiều người dân từ nơi khác đến TP. Vũng Tàu mua căn hộ nghỉ dưỡng cuối tuần nhưng cũng thất vọng chuyển đi vì không bình yên như họ mong muốn. Ông Lê Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình ông mua một căn hộ tại khu ARIA Vũng Tàu (phường 10) để nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần. Thời gian gần đây, ông không còn muốn về căn hộ này nghỉ ngơi vì ám ảnh tiếng ồn từ việc khách lưu trú hát karaoke bất kể ngày đêm.
Ông Phan Trọng Hạnh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Vũng Tàu nhận định, tình trạng sử dụng dàn âm thanh công suất lớn, loa âm thanh di động có kết nối với các thiết bị ngoại vi (điện thoại di động, máy tính, USB) để hát karaoke tại gia đình, nơi công cộng, các cơ sở lưu trú du lịch đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân tại cộng đồng. Từ đây, những mâu thuẫn nảy sinh dẫn đến tranh cãi, ẩu đả gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.
Từ ngày 15/8 đến nay, điện thoại đường dây nóng của thành phố nhận được 24 cuộc gọi của người dân phản ánh các vấn đề, trong đó có 16 cuộc gọi phản ánh ô nhiễm tiếng ồn từ các khu dân cư có khách du lịch lưu trú.
Qua đường dây nóng của thành phố và kiểm tra thực tế tại địa bàn, Phòng Văn hóa – Thông tin nhận thấy tại địa bàn các phường: 2, 10, 11, Thắng Tam thường xuyên xảy ra tình trạng hát bằng loa kẹo kéo… tại các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch. Đặc biệt, tại phường 10, tình trạng này diễn ra thường xuyên, liên tục. Các địa điểm trong khu biệt thự Thanh Bình thường xuyên có hát hò, gây ồn ào gồm: Homestay Tamiah (lô E24 đường Thùy Dương 5); Villa Ruby Home (C2-21 đường Thùy Dương 3); Quang Phượng Villa (C2-22 đường Thùy Dương 3); Villa A1 Nguyễn Đình Tứ (C2-25 Thùy Dương 3); Villa cho thuê ở địa chỉ C2-37 Thùy Dương 3…
Chị Hoàng Thị Tâm, chủ homestay Tamiah cho biết, cơ sở của chị hoạt động từ 30/4/2022. Ngoài phòng nghỉ, sân vườn BBQ, hồ bơi… chủ homestay này còn đầu tư cả phòng hát karaoke. “Khi có khách đến chúng tôi yêu cầu khách vào hát trong phòng cách âm”, chị Tâm nói.
Thực tế qua phản ánh của người dân, lúc 19 giờ 45 ngày 24/9, tại homestay Tamiah có tình trạng khách thuê phòng hát karaoke bằng loa di động, gây ồn ào. Ngày 11/10, Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở homestay Tamiah thì phát hiện chiếc loa di động đang được cất giấu tại phòng 102. Bên hông có phông sân khấu “Gala Dinner cùng chung chí hướng – thắp sáng thành công, Vũng Tàu ngày 24/9” trùng khớp với ngày mà người dân phản ánh.
Riêng Quang Phượng Villa chỉ trong vòng 1 tháng có đến 7 lần bị người dân phản ánh đến số điện thoại đường dây nóng của thành phố về việc khách ở cơ sở này hát hò bất chấp thời gian, gây bức xúc cho người dân.
Nghẹt thở vì “homestay”
Mô hình du lịch cộng đồng do một bộ phận dân cư tổ chức khai thác các dịch vụ du lịch và hưởng lợi. Trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng không thể không kể đến yếu tố chính – loại hình lưu trú. Tại TP.Vũng Tàu, mô hình du lịch này phát sinh nhiều bất cập, làm nghẹt thở không gian các khu dân cư vì tiếng ồn và nạn đậu xe bừa bãi.
Biệt thự, chung cư đều được gắn mác “homestay”
Lướt qua các trang như homestayvt.com, reviewvilla.vn… dễ dàng có được hàng trăm kết quả tìm kiếm, thông tin, giá cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Theo đó, mức thuê homestay đa dạng từ vài trăm ngàn đồng đến chục triệu đồng/căn, phòng tùy vị trí, diện tích và dịch vụ. Mức giá này sẽ được đẩy lên 2-3 lần ngày cuối tuần hoặc lễ, Tết.
Ở Vũng Tàu, homestay đắt khách nhất là những căn biệt thự nằm trong các khu dân cư gần biển: đường Trần Phú (phường 5), Hạ Long, Lạc Long Quân, Võ Thị Sáu, Phan Chu Trinh, khu Á Châu (phường 2), La Văn Cầu, Phó Đức Chính (phường Thắng Tam), Khu biệt thự Phương Nam (phường 8)…
Cùng với đoàn khách đến từ TP. Hồ Chí Minh tìm chỗ lưu trú cho 20 người, tôi gọi điện đặt căn villa ở địa chỉ 33/… Lạc Long Quân (phường 2). Anh L., xác nhận qua điện thoại với tôi là quản lý khu villa này cho biết, villa có diện tích 300m2, 5 phòng ngủ đầy đủ tiện nghi, hồ bơi, có chỗ đậu xe 5-7 chỗ, xe lớn thì đậu ngoài đường. Giá thuê ngày thường là 4 triệu đồng/đêm. Tối thứ Bảy là 7,5 triệu đồng/đêm. Nếu xuất hóa đơn thì thêm 10% tiền thuế.
L. không quên giới thiệu thêm chỗ của anh có cho thuê loa hát karaoke, giá 250 ngàn đồng/ngày. Khi tôi hỏi: “Có thể hát đến khuya được không?”, L. cho hay “Cũng được… nhưng trước mười giờ. Quá lắm cũng chỉ đến mười rưỡi”. Anh L. tư vấn thêm, nếu muốn thoải mái hơn nên chọn thuê các căn hộ ở khu biệt thự Thanh Bình (phường 10). Ở đó, anh cũng có mấy căn với giá cho thuê 4,5 triệu đồng/đêm (ngày thường) và 9,5-10 triệu đồng/căn (tối thứ Bảy).
Trong vai người đặt thuê dịch vụ lưu trú cho nhân viên công ty tổ chức teambuilding, tôi hỏi thuê một căn biệt thự được dán bảng “homestay” tại khu biệt thự Thanh Bình. Chủ cơ sở giới thiệu căn 9 phòng với 13 giường ngủ cho thuê ngày thường 8 triệu đồng/đêm, bao hát karaoke. Tôi hỏi có mở nhạc lớn được không, anh này khẳng định “Không sao!”.
Không chỉ các khu biệt thự, nhà phố, nhiều căn hộ chung cư chỉ có chức năng để ở (không phải là condotel – căn hộ du lịch) núp bóng “homestay” cũng được quảng cáo tràn ngập trên các trang mạng. Vào Google gõ từ khóa “homestay – căn hộ chung cư cho thuê tại Vũng Tàu”, có đến hơn 700.000 kết quả tìm kiếm khác nhau.
Chị H.A., người có một số căn hộ cho thuê tại chung cư Melody cho biết, ngày thường căn hộ có diện tích 90m2 ở được từ 8-10 người có giá cho thuê 1,8 triệu đồng/đêm, cuối tuần tăng lên 3 triệu đồng/đêm. Các căn hộ đều được trang bị đầy đủ tivi, tủ lạnh, máy giặt, nhà bếp, dụng cụ nấu ăn và wifi, truyền hình cáp.
“Chúng tôi giữ liên lạc, giới thiệu khách cho nhau. Ngày thường, khách chỉ thuê lai rai, bữa có bữa không, nhưng cuối tuần thường không có căn nào trống. Dịp hè vừa qua, nhu cầu phụ huynh đưa con cái đi du lịch tăng cao nên căn hộ cho thuê đắt khách lắm. Hầu hết khách đặt phòng qua điện thoại xong sẽ chuyển tiền qua tài khoản đặt cọc từ 30-40% giá thuê thì chúng tôi mới giữ chỗ”, chị H.A. cho biết.
Các kiểu biến hình
Homestay là loại hình dịch vụ lưu trú mà khách du lịch ăn, nghỉ tại nhà người dân để trải nghiệm bản sắc văn hóa bản địa. Theo đó, để kinh doanh loại hình này, các gia đình chỉ cần tự cải tạo ngôi nhà của mình đáp ứng các yêu cầu thiết yếu rồi xin giấy phép kinh doanh và đón khách. Huế, Hội An là những địa chỉ tin cậy khi triển khai mô hình kinh doanh này. Đã có những câu chuyện khá thú vị về những chàng trai nước ngoài phát âm đúng ngữ âm theo kiểu người Quảng sau một thời gian sống với các gia đình Việt ở Hội An.
Nhưng với TP. Vũng Tàu thì hoàn toàn khác. Hầu hết các “homestay” tại TP. Vũng Tàu cho khách du lịch thuê thông qua một chủ đầu tư thay vì ở chung với chủ nhà như tính chất vốn có. Khách du lịch thuê “homestay” cũng không phải là để trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương mà đa phần để đáp ứng nhu cầu lưu trú, tự do sinh hoạt. Về bản chất, các “homestay” này đang kinh doanh loại hình nhà nghỉ du lịch trong khu dân cư.
Tương tự, các căn hộ chung cư vốn chỉ có chức năng để ở, nay cũng núp bóng “homestay” để kinh doanh. Ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị TP. Vũng Tàu cho biết, Luật Nhà ở năm 2014 quy định “cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; sử dụng phần diện tích được kinh doanh trong nhà chung cư theo dự án được phê duyệt vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư theo quy định của Chính phủ”.
Melody và OSC Land (cùng tọa lạc trên đường Võ Thị Sáu, TP. Vũng Tàu) là 2 khu chung cư khi xây dựng chỉ được cấp phép để ở, không phải là condotel – căn hộ để cho khách du lịch thuê.
Lật lại hồ sơ làm việc của Thanh tra Sở Du lịch hồi tháng 8/2021, ông Đường Ngọc Thuận, Chánh thanh tra Sở Du lịch cho biết, sau khi kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tại chung cư OSC Land và Melody, cơ quan chức năng nhận thấy nhiều bất cập như: ồn ào, khó kiểm soát, thời gian đi về sinh hoạt của du khách thuê chung cư thất thường… ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân sống trong chung cư.
Do đó, tháng 8/2021 Sở Du lịch đã góp ý để Sở KH-ĐT ban hành Văn bản số 2651/SKHĐT-DN về việc rà soát ngưng cấp và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các chung cư nhà ở trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi có văn bản, các chung cư này đã vãn khách du lịch thuê. Nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, dịch vụ thuê chung cư cho khách du lịch lưu trú theo quảng cáo là “homestay” đã sôi động trở lại, khiến cư dân bức xúc vì cuộc sống bị đảo lộn.
Khó khăn trong quản lý
Sự phát triển bùng nổ của các cơ sở lưu trú du lịch mang danh “homestay” khiến người dân phải hứng chịu nhiều phiền toái, còn cơ quan chức năng thì gặp khó khăn trong công tác quản lý. Đó là chưa kể, nhiều khoản đóng góp từ các cơ sở này rất khó để thu đủ, tính đủ.
Khó xử lý vi phạm
Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch UBND phường Thắng Tam cho biết, cuối tháng 9 vừa qua, hàng chục hộ dân sống tại hẻm 82 Xô Viết Nghệ Tĩnh đã gọi đến số điện thoại đường dây nóng của TP. Vũng Tàu phản ánh: Từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 9/2022, hầu như ngày nào Villa Phạm (82/2 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam) cũng có tình trạng hát hò ồn ào đến 23-24 giờ. “Không biết có ai báo trước hay không, nhưng khi lực lượng chức năng đến nơi thì chỉ còn một nhóm người ngồi ăn uống trong sân. Hoạt động ca hát đã dừng hẳn. Vì vậy, chúng tôi không có cơ sở để xử lý”, ông Toản nói.
Trung tá Nguyễn Thế Nam, Trưởng Công an phường 2, TP.Vũng Tàu phân tích, muốn xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn sau 22 giờ, cơ quan chức năng phải xác định được mức độ tiếng ồn vượt ngưỡng quy định là 55dBA (decibel) bằng thiết bị chuyên dụng. Thế nhưng, lực lượng chức năng chưa được trang bị thiết bị này nên rất khó xử phạt. “Lực lượng chức năng chỉ tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu cơ sở kinh doanh viết cam kết, hoặc xử lý các hành vi vi phạm khác như: hoạt động quá giờ quy định, không khai báo danh sách người lao động và giao kết hợp đồng lao động. Nhưng việc này chủ yếu là mang tính răn đe, giáo dục”, Trung tá Nguyễn Thế Nam nói.
Tương tự, ông Phan Trọng Hạnh, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Vũng Tàu cũng phân tích, “Các đoàn kiểm tra liên ngành không có thẩm quyền sử dụng công cụ hỗ trợ nên không xử lý được nhóm tụ tập đông người và trong trạng thái say xỉn. Tổ chức, cá nhân sử dụng các thiết bị âm thanh để hát karaoke giải trí, gây ồn ào, huyên náo khu dân cư, nơi công cộng thường diễn ra trước 22 giờ và không có thời điểm nhất định, gây khó khăn cho việc phối hợp kiểm tra, đo đạc độ ồn”.
Ngoài ra, ông Hạnh cũng cho rằng, công tác phối hợp xử lý giữa Phòng Văn hóa-Thông tin, Đoàn kiểm tra liên ngành và Công an thành phố, công an phường chưa rốt ráo, chặt chẽ. Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Vũng Tàu, trong tháng 9/2022, đường dây nóng của thành phố nhận được 14 cuộc gọi phản ánh ô nhiễm tiếng ồn từ các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó nhiều nhất là địa bàn phường 10. Tuy nhiên, sau khi xử lý, phường 10 cũng không thông tin kết quả về Phòng Văn hóa-Thông tin để cập nhật, báo cáo. Với một số trường hợp, địa phương giải thích là “chưa đến 22 giờ nên chưa thể xử phạt”.
Nhiều vi phạm
Thống kê của Phòng Tài chính-Kế hoạch TP. Vũng Tàu cho thấy, từ ngày 1/1/2021 đến 31/8/2022 có 371 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú được đăng ký tại địa phương. Trên thực tế, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày tại thành phố vượt xa con số này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại chung cư OSC Land (đường Võ Thị Sáu), khoảng 50% căn hộ ở đây là có hoạt động cho khách du lịch thuê nhưng chủ căn hộ không làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Hoạt động nhận-trả phòng được các chủ căn hộ giao cho người quản lý. Khách thuê chỉ cần chuyển khoản cho chủ nhà là xong. Trong danh sách hộ gia đình, cá nhân đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày do Phòng Tài chính-Kế hoạch TP. Vũng Tàu cấp từ tháng 1/2021 đến nay không có hộ nào có căn hộ tại chung cư OSC Land đăng ký kinh doanh!
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, theo quy định tại Điều 49 – Luật Du lịch, điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bao gồm: Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, an toàn về PCCC, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Ngoài 3 điều kiện trên, cơ sở kinh doan cần phải có giấy chứng nhận bảo đảm an ninh trật tự và giấy chứng nhận an toàn PCCC do công an cấp huyện cấp. Trường hợp tổ chức ăn uống có thu tiền thì phải có giấy chứng nhận VSATTP do phòng y tế cấp huyện cấp. Chủ cơ sở phải thông báo với cơ quan quản lý về du lịch, cụ thể là Sở Du lịch trước 15 ngày đi vào hoạt động. Đồng thời, cơ sở phải đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết với Sở Tài chính hoặc Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện.
Tuy nhiên, qua kiểm tra một số cơ sở lưu trú ngắn ngày trên địa bàn phường 10 trong 2 ngày 11 và 12/10, Đoàn liên ngành TP. Vũng Tàu ghi nhận, hầu hết các cơ sở kinh doanh này đều không niêm yết giá bán phòng. Riêng cơ sở Quang Phượng Villa (do Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ Minh Huy đứng tên) không có giấy chứng nhận PCCC, không có giấy chứng nhận an ninh trật tự… Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này có 4 người lao động đang làm việc nhưng chủ cơ sở là bà Trần Thị Phượng không xuất trình được hợp đồng lao động với 4 người này.
Bên cạnh đó, các cơ sở đăng ký lưu trú không trung thực, khó theo dõi và dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó có việc thất thu thuế. Theo quy định, người bán hàng phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa dịch vụ từ mức 200 ngàn đồng trở lên. Trường hợp người mua không lấy hóa đơn thì đơn vị cung ứng vẫn phải lập hóa đơn. Tuy nhiên, đa số cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch này không thực hiện nghiêm quy định. Hơn nữa, hầu hết khách hàng đều không yêu cầu hóa đơn nên cũng vô tình tiếp tay cho hành vi trốn thuế của các DN và hộ kinh doanh cơ sở lưu trú.
Ở góc độ quản lý địa bàn, bà Trần Thị Toàn, Trưởng Ban điều hành khu phố 6, phường 2 cũng phàn nàn, nhiều năm qua, khu phố không thu được các loại quỹ: Đền ơn đáp nghĩa, Bảo trợ trẻ em, Khuyến học, Chăm sóc người cao tuổi, Vì người nghèo… từ những hộ có nhà, biệt thự cho thuê.
“Đặc biệt, những hộ ở địa chỉ 16, 18, 20, 29, 32, 34, 35, 36, F1, F3, F8, F9 Lạc Long Quân đã hơn 10 năm nay khu phố không gặp được chủ nhà và không hề thu được bất cứ khoản đóng góp nào. Trong khi đó, địa phương phải chịu nhiều áp lực về an ninh trật tự và các vấn đề xã hội từ hoạt động kinh doanh của chính những hộ này”, bà Toàn nói.
Sự đã rồi hay chuyện của tương lai?
Những khu vực quy hoạch là khu dân cư qua nhiều năm đã biến thành các khu kinh doanh lưu trú sầm uất. Những ngôi nhà chỉ được phép xây 3-4 tầng nay xây lên 7-8 tầng để làm nhà nghỉ, khách sạn. Phạt thì cũng đã phạt nhưng công trình vẫn tồn tại và hoạt động như chuyện đã rồi. Nếu chấp nhận hiện trạng, thì vô vàn bài toán sẽ cần phải giải quyết trong tương lai.
Quy hoạch một đằng, hoạt động một nẻo
Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, hiện nay thành phố có hơn 50 dự án nhà ở như: Á Châu (phường 2), Bến Đình, Sao Mai-Bến Đình, Decoimex (phường 9), Trung tâm đô thị Chí Linh (phường 10)…
Theo quy định, công trình trong các dự án này phải xây dựng theo mẫu thiết kế được duyệt và được thỏa thuận với chiều cao từ 3-4 tầng. Chiều cao này là do chính chủ dự án đề nghị và là chiều cao thông dụng nhất đối với công trình nhà ở liền kề. Các công trình này được miễn giấy phép xây dựng, nhưng phải xây theo đúng mẫu thiết kế được duyệt. Các trường hợp có nhu cầu điều chỉnh mẫu thiết kế phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng công trình xây dựng vượt số tầng cho phép trên địa bàn thành phố diễn ra khá phổ biến, nhiều nhất là ở khu Á Châu (phường 2).
Theo ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, khu Á Châu được quy hoạch là khu nhà ở liền kề. Dự án đã được chủ đầu tư khảo sát, lập đồ án và được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, thỏa thuận thiết kế kiến trúc mẫu nhà ở từ hàng chục năm trước.
Tại thời điểm đó, quy mô chiều cao của công trình từ 3-4 tầng là phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của thành phố và thu nhập của người dân. Tuy nhiên, nhiều chủ công trình tự ý nâng thành 6-8 tầng để kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, homestay. Cụ thể, tại khu Á Châu có 13 công trình xây vượt 3-5 tầng đã bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu tháo dỡ tầng xây vượt.
Trước tình trạng xây vượt số tầng quy định để kinh doanh lưu trú, ngày 11/8/2017, UBND TP. Vũng Tàu và Sở Xây dựng đã thống nhất “Đối với khu Á Châu không cho phép chuyển đổi quy hoạch thành tính chất dịch vụ du lịch mà phải giữ nguyên tính chất quy hoạch là khu nhà ở” tại thông báo số 4550/TB-TPVT-SXD. Tuy nhiên, phần lớn nhà tại khu Á Châu đang phục vụ cho hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, không đúng với công năng, không đúng quy hoạch.
Khi chúng tôi thực hiện loạt phóng sự này, nhiều công trình sai phép ở khu Á Châu đã bị cơ quan chức năng xử phạt cách đây 4-5 năm vẫn tồn tại như “chuyện đã rồi” và hoạt động kinh doanh lưu trú, homestay một cách sôi động.
Tương tự, theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt, khu biệt thự Thanh Bình (phường 10, TP. Vũng Tàu) do Công ty TNHH TV-DV-TM Thanh Bình làm chủ đầu tư có diện tích khoảng 22,6ha. Trong đó, 4ha “vùng lõi” của dự án được quy hoạch là nhà ở biệt thự với khoảng 70 căn. Nhưng hiện nay, hầu hết các căn biệt thự ở khu này đã được dùng cho khách du lịch thuê kể cả những căn nằm trong “vùng lõi”. Đó là lý do gây nên tình trạng ồn ào, mất an ninh trật tự của khách du lịch, ảnh hưởng đến đời sống của những hộ dân sử dụng nhà ở đúng công năng.
Nhiều khu dân cư lâu năm khác như khu Lạc Long Quân, khu Võ Thị Sáu hay các khu dân cư gần biển như Hồ Quý Ly, La Văn Cầu, Phan Văn Trị… cũng đang hoạt động chủ yếu phục vụ du lịch, khác với quy hoạch khu dân cư như ban đầu đã được phê duyệt. Và lâu dần, người ta nghiễm nhiên cho rằng các khu dân cư đó là khu để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
Áp lực về hạ tầng, môi trường
Những khu dân cư trở thành những khu kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Thực tế này đã tạo ra nhiều áp lực về quản lý môi trường, an ninh trật tự và xây dựng.
Có thể lấy ví dụ, khu dân cư Lạc Long Quân (phường 2) được phê duyệt tại Quyết định số 3368/QĐ-UBT ngày 8/12/1997. Dự án do Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ đầu tư, với diện tích 5,27 ha. Quy mô của khu này chỉ đáp ứng cho khoảng 300 người. Nhưng vào những ngày cao điểm, mỗi căn biệt thự cho thuê có đến 20-40 người/căn. Nếu tính cả khu thì sẽ thấy rõ áp lực về việc tăng dân số cơ học đè nặng lên môi trường sống ở khu vực này: an ninh trật tự khó được bảo đảm, cấp điện, nước, hạ tầng đô thị không đáp ứng, gia tăng chi phí xử lý môi trường…
Anh Hùng (nhà ở khu biệt thự Lạc Long Quân) cho biết: “Chúng tôi phải trả tiền điện, tiền nước bằng người dân ở các khu dân cư khác. Nhưng thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ, Tết, lượng khách du lịch lưu trú ở khu Lạc Long Quân quá đông nên điện yếu, nước cũng yếu, nhất là vào giờ cao điểm”.
Theo ông Nguyễn Trọng Thụy, khi quy hoạch, các khu dân cư này chỉ tính toán yêu cầu về cấp điện, cấp nước, chỗ đậu xe… cho đủ số dân dự kiến sinh sống trong khu dân cư với trung bình từ 4-6 người/hộ. “Khi biệt thự không ở chuyển sang cho thuê, khách du lịch tăng gấp 10-20 lần so với tính toán ban đầu thì nhu cầu về điện, nước, chỗ đậu xe và thậm chí xử lý rác thải cũng không đáp ứng được là điều chắc chắn”, ông Thụy khẳng định.
Trong khi đó về rác thải sinh hoạt, theo thống kê của đơn vị xử lý, trung bình mỗi ngày TP. Vũng Tàu phát sinh khoảng 400 tấn rác thải. Nhưng những ngày lễ, Tết lượng rác thải của thành phố tăng lên đến 800-900 tấn/ngày. Với đơn giá xử lý rác hiện nay là 374.269 đồng/tấn thì những ngày cao điểm thành phố phải chi trả gần 300 triệu đồng/ngày để xử lý rác bằng nguồn ngân sách, gấp đôi so với ngày thường chỉ xử lý rác sinh hoạt của dân địa phương.
Ngoài ra, những khu dân cư có nhiều nhà nghỉ, homestay, du khách tập trung rất đông vào các dịp cuối tuần và lễ, Tết, gây nên áp lực về việc bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, PCCC. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú chỉ có một nhóm hộ kinh doanh, DN được thụ hưởng đầy đủ. Còn cơ quan chức năng, địa phương khó thống kê, kiểm soát hết được lượng du khách đến lưu trú trên địa bàn để tính toán chiến lược phát triển du lịch lâu dài.
Du lịch có trách nhiệm và văn minh
Để du lịch phát triển bền vững, yếu tố văn minh, tôn trọng cuộc sống của cộng đồng dân cư… phải được ưu tiên hàng đầu.
Các đơn vị vào cuộc
Không cần đợi đến 22 giờ mới xử phạt, nhắc nhở, Tổ phản ứng nhanh xử lý tiếng ồn phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) tuần tra bất kể các khung giờ. Qua đo đạc bằng công cụ chuyên dụng, trường hợp nào gây ồn, hát lớn đều bị Tổ phản ứng nhanh tạm giữ loa, xử phạt mạnh tay. Trước đó, phường đã liên hệ với những đơn vị cho thuê loa trên địa bàn yêu cầu chấm dứt việc cho thuê vì họ không có giấy phép kinh doanh. Hơn nữa, trường hợp loa bị tịch thu, người vi phạm phải đóng phạt mới được lấy về.
Sau vài ngày ra quân, tình trạng hát karaoke trong khu dân cư giảm hẳn. Nhiều gia đình quyết định “nhậu chay”, không hát hò. Với những trường hợp mở nhạc hát không quá lớn thì phường lập biên bản nhắc nhở, lưu hồ sơ. Song song đó, địa phương vẫn tiếp tục ra quân xử lý, đặc biệt sẽ theo dõi các trường hợp đã được nhắc nhở, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị tính là “tình tiết tăng nặng”. Các trường hợp không hợp tác, thách thức lực lượng chức năng, địa phương sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cách làm này của TP. Đà Nẵng được xem là liều thuốc đặc trị tiếng ồn hiệu quả, được nhiều địa phương khác quan tâm, cổ vũ. Vì vậy, không lẽ gì mà TP. Vũng Tàu lại không thể xử lý ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư?
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025 lần thứ 22 (mở rộng), ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu đã yêu cầu các phòng, ban, địa phương có liên quan phải vào cuộc, xử lý dứt điểm vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư và các vấn đề liên quan đến hoạt động lưu trú du lịch.
Ngày 23/9, UBND TP. Vũng Tàu ban hành công văn số 8553/UBND-TNMT về việc quản lý, kiểm tra, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn thành phố. UBND TP. Vũng Tàu giao Phòng Văn hóa-Thông tin chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh trật tự, gây tệ nạn xã hội, gây ô nhiễm tiếng ồn, vi phạm công tác an toàn về PCCC, bảo đảm không ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Theo ông Phan Trọng Hạnh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Vũng Tàu, thực hiện chỉ đạo của thành phố, từ đầu tháng 10, phòng đã phối hợp với Công an thành phố, lãnh đạo các phường, Chi cục thuế, Trung tâm hỗ trợ khách du lịch… đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch ngắn ngày (gọi chung là “homestay”) để kiểm tra, tuyên truyền và vận động chủ các cơ sở tuân thủ các quy định về kinh doanh trong khu dân cư. Đồng thời yêu cầu các cơ sở ký cam kết không tổ chức hoặc để khách sử dụng loa di động hát karaoke tại nơi công cộng khi không bảo đảm các điều kiện về cách âm.
Qua các đợt kiểm tra đầu tháng 10, hầu hết các cơ sở đều thừa nhận khách lưu trú có hát hò lớn. Anh Đinh Tiến Dũng, chủ cơ sở Ruby Chillin Villa (C2-21 khu biệt thự Thanh Bình, phường 10) nói: “Chúng tôi đã nhận thức rõ thiếu sót này và cam kết sẽ khắc phục không để xảy ra ồn ào, ảnh hưởng đến người dân”.
Còn chị Hoàng Thị Tâm, chủ cơ sở “homestay” Tamiah (E24, đường Thùy Dương 5, khu biệt thự Thanh Bình, phường 10) hứa: “Chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành các quy định trong hoạt động kinh doanh homestay với mong muốn hoạt động lâu dài và bền vững. Theo đó, trong bản hợp đồng cho khách thuê phòng, chúng tôi đã thêm vào điều khoản “không hát karaoke gây ồn ào” kể cả ban ngày. Nếu muốn hát hò thoải mái, khách có thể vào phòng karaoke có cách âm mà cơ sở đã đầu tư. Đoàn khách nào không tuân thủ, chúng tôi sẵn sàng trả lại tiền cọc”.
Hài hòa giữa phát triển du lịch và dân cư
KTS Nguyễn Hữu Mạnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, khách du lịch lưu trú trong các khu dân cư là hiện tượng phổ biến ở các đô thị du lịch. Ở các nước văn minh, “homestay” đúng nghĩa là khách du lịch cùng ăn, cùng ở với chủ nhà và tìm hiểm văn hóa bản địa. Họ không gây ảnh hưởng, xáo trộn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư. Tại Việt Nam nói chung và TP. Vũng Tàu nói riêng, hoạt động kinh doanh “homestay” đang rơi vào tình trạng các khu dân cư có khách du lịch lưu trú khá ồn ào, trong khi các cơ sở dịch vụ lưu trú cũng chưa có giải pháp nhằm bảo đảm hài hòa giữa hoạt động vui chơi, giải trí cho du khách và sinh hoạt bình thường của dân cư sinh sống xung quanh.
Do vậy, chính quyền địa phương cần quy hoạch rõ ràng: khu nào phát triển du lịch, khu nào là khu dân cư, khu nào vừa có dân cư vừa làm du lịch. Từ đó, chính quyền đưa ra các giải pháp hài hòa để du lịch vẫn phát triển, DN vẫn làm du lịch và người dân thì vẫn sinh sống bình thường trong đô thị du lịch.
“Chính quyền có thể đưa ra các quy định kinh doanh trong khu dân cư. Theo đó, các cơ sở kinh doanh phải chấp nhận hoạt động trong khuôn khổ nhất định. Chẳng hạn như trong khu dân cư thì chỉ cho phép kinh doanh phòng nghỉ, không được phép hát hò, không được đậu xe du lịch để bảo đảm lối ra vào cho người dân…”, KTS Nguyễn Hữu Mạnh phân tích.
Cùng ý tưởng này, ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường 2 kiến nghị, trước khi cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch ngắn ngày cho DN hoặc hộ kinh doanh, Phòng Tài chính – Kế hoạch TP. Vũng Tàu hoặc Sở KH-ĐT nên trao đổi với phường để xem khu vực đó có phù hợp cấp phép cho loại hình này hay không. “Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ nên cấp phép kinh doanh cho chính chủ. Hiện nay, hầu hết các căn biệt thự, nhà phố cho khách du lịch thuê đều do một số công ty, cá nhân thuê lại, rồi sửa sang và bán dịch vụ lưu trú cho khách. Do đó, khi có sự cố gì xảy ra, chính quyền địa phương không biết gọi ai để ràng buộc trách nhiệm”, ông Nam nói.
Với các giải pháp tổng thể và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, hy vọng rằng trong thời gian tới, những mặt trái của du lịch cộng đồng sẽ được xử lý triệt để. Đó cũng là cách để Vũng Tàu giữ vững danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN” mà nhiều năm qua lãnh đạo và nhân dân Vũng Tàu đã tâm huyết xây dựng và duy trì.
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu